0

Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người cao tuổi | Safe and Sound

Ở người cao tuổi, tâm lý và hành vi có sự thay đổi rõ rệt. Các vấn đề tâm lý như rối loạn cảm xúc và trầm cảm ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe tâm thần của họ. Vậy chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người cao tuổi như thế nào?

Vi Nguyễn Duy Minh | Chuyên viên - Viện tâm lý và sức khỏe tinh thần SnS

Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Phát triển

1. Đặc điểm tâm lý của người cao tuổi

Dưới đây là các trạng thái tâm lý phổ biến ở người cao tuổi:

  • Cô đơn và tự cô lập: Con cháu đi làm đi học, phần lớn thời gian người già sống một mình. Cảm xúc cô đơn càng rõ nét nếu người cao tuổi không còn bạn đời bên cạnh, từ đó thu mình lại, con cháu khó tiếp cận và quan tâm. Đây là một nguyên nhân phổ biến gây ra trầm cảm và các rối loạn tâm lý.
  • Hồi tưởng quá khứ: Người già thường suy nghĩ về quá khứ và so sánh với hiện tại. Khi họ chia sẻ, con cháu sẽ cảm thấy không thoải mái và xa lánh, càng làm tăng cảm xúc cô độc ở họ.
  • Cảm xúc bi quan: Tuổi già gắn liền với bệnh tật. Bệnh càng nặng, tâm lý bi quan càng rõ nét. Các mối lo ngại chính bao gồm mất ý thức, mất khả năng vận động và phải phụ thuộc người thân, sự bất định khi qua đời...
  • Tủi thân: Điều này gắn liền với tâm lý cô đơn và tự cô lập của người già.

Ảnh 1: Người cao tuổi dễ tủi thân

2. Dấu hiệu dẫn đến thay đổi tâm lý ở người cao tuổi

Những thay đổi tâm lý ở người cao tuổi thường khó nhận biết, do đó người thân cần tinh tế để phát hiện và có hướng chăm sóc kịp thời.

  • Mất trí nhớ: Đây là một trong những dấu hiệu phổ biến nhất. Mất trí nhớ bao gồm quên tên người quen, địa chỉ, lịch trình hàng ngày hoặc những sự kiện gần đây...
  • Chậm tư duy và quyết định: Người cao tuổi có thể gặp khó khăn trong việc tư duy logic, lập kế hoạch và ra quyết định. Họ có thể trở nên chậm chạp, nhạy cảm hơn và khó khăn trong việc đánh giá tình huống phức tạp.
  • Thay đổi cảm xúc đột ngột: Người cao tuổi dễ trở nên cáu gắt, buồn bã, lo lắng hoặc không hứng thú với những hoạt động mà họ thường yêu thích.
  • Ngại giao tiếp và thu mình: Người cao tuổi trở nên cô đơn do mất bạn bè, đối tác hoặc thành viên gia đình, nhất là bạn đời. Họ có thể tránh giao tiếp xã hội hoặc rút lui khỏi các hoạt động xã hội mà họ thường tham gia.
  • Khó khăn khi thực hiện các hoạt động hàng ngày: Người cao tuổi có thể gặp khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động hàng ngày như làm việc nhà, nấu ăn, mặc quần áo, đi lại hoặc tự chăm sóc bản thân.

3. Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người cao tuổi

Người già thường cảm thấy cô đơn và bị bỏ rơi, do đó người thân cần dành thời gian lắng nghe và tương tác với họ. Hãy dành thời gian lắng nghe và hiểu cảm xúc của họ, cho họ biết mọi người vẫn quan tâm và yêu thương.

Khi người già chia sẻ, hãy cảm thông và tránh phán xét. Lắng nghe không phải là điều dễ dàng, nhất là đối với các chủ đề cũ kĩ. Nhưng bằng tình cảm và sự quan tâm thật lòng, con cháu có thể tinh ý nhận ra những thay đổi trong cảm xúc và tâm lý của người thân để tìm ra những giải pháp tích cực.

Ảnh 2: Hãy lắng nghe người thân của mình

Thực tế, các trường hợp người cao tuổi gặp vấn đề tâm lý do sự cô độc và thiếu tương tác xã hội. Con cháu cần tạo điều kiện cho họ tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động tổ nhóm, hội người cao tuổi... để họ tự tin hơn. Bên cạnh đó, các môi trường trên thuận tiện hơn để người cao tuổi chia sẻ cảm xúc của mình với những người cùng hoàn cảnh.

Nói tóm lại, chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người cao tuổi tập trung vào việc điều chỉnh phong cách giao tiếp, chú ý các thay đổi và xây dựng môi trường sống tích cực.

: Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người cao tuổi | Safe and Sound

Đăng ký nhận tư vấn ngay

Nhận tư vấn về sức khoẻ tinh thần từ Safe and Sound